TFH - Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Đông Kinh và thủ đô Hà Nội. Di chỉ khảo cổ này là minh chứng sống động cho nền văn minh châu thổ sông Hồng trong suốt 13 thế kỷ: bắt đầu từ thời tiền Thăng Long vào khoảng thế kỷ VII, đi qua thời Đinh và tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, hậu Lê, đến triều Nguyễn và tồn tại mãi đến ngày nay. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Những gì chúng ta còn thấy ngày nay ở thủ đô Hà Nội là Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long với diện tích khoảng 20 ha (trên tổng diện tích 140 ha của Hoàng thành), bao gồm hai khu vực: Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Khu di tích Thành cổ Hà Nội. Ngoại trừ Bắc Môn và Kỳ Đài, những công trình còn sót lại chỉ là phục dựng và các di tích khảo cổ được tìm thấy trong suốt nhiều năm.
Có thể nói kiến trúc hoàng cung Thăng Long là một đỉnh cao của sự tiến bộ của kiến trúc đương thời lúc bấy giờ. Không chỉ có diện tích và quy mô to lớn, kiến trúc và trang trí nội thất bên trong còn rất nguy nga và tráng lệ. Sách sử xưa có viết về cung điện Thăng Long được chạm trổ hết sức khéo léo, là công trình được thi công xây dựng tỉ mỉ từ trước đến nay. Bên trong cung điện đều sơn son, cột điện thì vẽ các hình long, hạc, tiên nữ. Qua đó bạn có thể hình dung vẻ đẹp quy nga và tráng lệ của cung Thăng Long lúc bấy giờ.
Đây là địa điểm lưu giữ nhiều giá trị lịch sử của dân tộc, bao gồm cả những giá vị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa,... Hằng năm, nơi đây vẫn được tổ chức nhiều sự kiện quan trọng. Hoàng Thành Thăng Long cũng có mở bán vé tham quan cho du khách nhưng hiện tại đã tạm thời đóng cửa do diễn biến phức tạp của Covid19. Rất mong dịch bệnh qua mau để mọi người có thể tới đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc cổ kính của nơi này.
Điện Kính Thiên là di tích trung tâm, trong tổng thể các di tích của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – HN; là cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự.
Vào ngày 1/8/2010, Hoàng thành Thăng Long chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.